Du lịch thuần chay qua lễ hội truyền thống của Thái Lan

 


Châu Á là khu vực lý tưởng dành cho du khách thuần chay vì đặc trưng tôn giáo của khu vực này. Trong đó, Thái Lan là một ví dụ điển hình cho một điểm đến phát triển trải nghiệm du lịch thuần chay cho du khách dựa trên văn hóa tôn giáo của mình.

Lễ hội Ăn chay (Vegetarian Festival) của Thái Lan là một ví dụ điển hình cho trải nghiệm du lịch thuần chay tại châu Á. Đây là một lễ hội lâu đời và được tổ chức hằng năm vào đầu tháng 9 âm lịch và kéo dài 9 ngày. Lễ hội Ăn chay Thái Lan có nguồn gốc từ cộng đồng người Trung Quốc xưa tại nước này và mang tính giao thoa văn hóa giữa hai nước Thái – Trung. Tuy nhiên, bên cạnh việc truyền tải văn hóa truyền thống và niềm tin tôn giáo (Đạo giáo), việc phát triển và quảng bá lễ hội này của Thái Lan còn mang đến một trải nghiệm du lịch thuần chay đặc biệt cho du khách.

Tổng cục Du lịch Thái Lan bắt đầu quảng bá lễ hội Ăn chay như một sự kiện du lịch vào những năm 1990, khi hoạt động du lịch bắt đầu phát triển mạnh ở Phuket. Tổng cục Du lịch Thái Lan đã hợp tác với những ngôi đền cổ xưa nhất Phuket để tìm hiểu nguồn gốc lịch sử cùng những câu chuyện xoay quanh lễ hội này, từ đó, quảng bá lễ hội bằng cách truyền tải những câu chuyện lịch sử và tôn giáo thú vị thông qua các ấn phẩm xuất bản và truyền thông.

Lễ hội Ăn chay được tổ chức trên khắp Thái Lan nhưng sôi động nhất là ở những khu vực có đông người nhập cư Trung Quốc như Chiang Mai, Bangkok, trong đó Phuket là địa phương tổ chức lễ hội lớn nhất mỗi năm. Mặc dù được gọi là lễ hội Ăn chay, nhưng lễ hội này thực sự thuần chay bởi ngoài việc loại bỏ thịt, các món ăn trong lễ hội cũng không sử dụng các sản phẩm từ động vật như trứng, sữa, mật ong,… Du khách cũng phải tuân thủ nhiều nguyên tắc khác để được tham gia vào lễ hội. Hằng năm, lễ hội Ăn chay của Thái Lan thu hút hàng nghìn du khách đến tham dự và là một lễ hội lớn có đóng góp quan trọng cho du lịch Thái Lan.

Lễ hội Ăn chay Thái Lan không chỉ mang đến trải nghiệm ẩm thực cho du khách thuần chay mà đây còn là một lễ hội sôi động đầy sắc màu với các đoàn diễu hành trên phố và những ngôi đền Phật giáo và Đạo giáo tổ chức các nghi lễ tôn giáo cho du khách và tín đồ của mình. Sự phát triển mạnh mẽ của lễ hội thể hiện qua số lượng các đoàn diễu hành và các đền thờ tham gia, cũng như quy mô tổ chức cũng được mở rộng mỗi năm. Từ chỉ vài đoàn diễu hành và một vài đền thờ tự tổ chức riêng lẻ như một nét văn hóa tôn giáo, lễ hội đã nhanh chóng mở rộng với số lượng tham gia lên đến hàng chục đoàn diễu hành và hàng trăm đền thờ.

Lễ hội Ăn chay Thái Lan có đóng góp nhất định đối với ngành du lịch cũng như nền kinh tế Thái Lan. Khảo sát vào năm 2019 dự kiến lễ hội trong năm sẽ kích thích người dân thủ đô Bangkok chi tiêu khoảng 4,76 tỷ bath trong 9 ngày diễn ra lễ hội, tăng 2,4% so với năm 2018. Còn ở đảo Phuket, Thống đốc của đảo dự báo lễ hội dự kiến sẽ tạo ra khoảng 2 tỷ bath doanh thu du lịch vào năm 2019.

Vì có nguồn gốc từ cộng đồng người Trung Quốc xưa, nên lễ hội Ăn chay là một trong những sự kiện thu hút rất nhiều lượt khách Trung Quốc đến với Thái Lan. Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn tại nước này, chiếm 27,6% tổng lượt du khách cả nước và chiếm 28,1 % tổng doanh thu từ khách du lịch của Thái Lan năm 2018. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, lễ hội Ăn chay đã trở nên nổi tiếng và thu hút đối tượng du khách đến tham gia lễ hội đã đa dạng hơn, với nhiều du khách từ Malaysia, Singapore và các nước phương Tây.

Cuối năm 2020, sau gần một năm đối phó với Covid-19 và ngành du lịch đình trệ, chính quyền Phuket đã phải thay đổi chiến lược tổ chức lễ hội Ăn chay. Nếu như trước kia, du khách nước ngoài là đối tượng chính, chiếm 70% tổng du khách tham gia lễ hội, thì giờ đây, chính quyền Phuket đã buộc phải chuyển đổi tập trung vào nhóm du khách nội địa với mục tiêu thu hút được khoảng 60.000 du khách và người dân địa phương tham gia, cùng doanh thu dự kiến khoảng 350 triệu bath. Bước chuyển mình nhanh chóng này của chính quyền Phuket đã phần nào giúp các doanh nghiệp du lịch có những dấu hiệu phục hồi tích cực. Đặc biệt, sau nhiều tháng ảm đạm vì không có khách, nhiều khách sạn tại Phuket đã ghi nhận tỷ lệ đặt phòng đạt 20% vào các ngày trong tuần và đạt tỷ lệ cao hơn vào các ngày cuối tuần trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Lễ hội Ăn chay Thái Lan là một ví dụ cho việc tận dụng và phát triển nét văn hóa tôn giáo lâu đời và mang đến một trải nghiệm du lịch thuần chay khác biệt cho du khách. Du lịch thuần chay là một xu hướng mới nổi trong những năm gần đây, những trải nghiệm du lịch thuần chay hiện nay vẫn còn khá hạn chế, phần lớn tập trung vào khía cạnh ẩm thực và chủ yếu được trải nghiệm tại các nhà hàng chay. Tuy nhiên, nếu các điểm đến có thể nắm bắt sự phát triển của xu hướng này, kết hợp với những nền tảng tôn giáo và văn hóa của quốc gia, thì hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch thuần chay.

(Theo destination-review.com)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét